Home Trà đá vỉa hè Con người hoàn hảo và những cỗ máy

Con người hoàn hảo và những cỗ máy

by Phạm Ngọc Hải

Ai cũng thích sự hoàn hảo. Trong phim ảnh, một bộ phim truyền hình truyền hình được coi là trọn vẹn nếu có một happy ending. Trong các câu chuyện cổ tích, hoàng tử thì phải lấy công chúa, cũng giống như thời nay chân dài đi với đại gia. Nhưng cuộc sống thì không có tập cuối, hoàng từ hay công chúa thì cũng phải cân bằng công việc với cuộc sống gia đình. Các nhân vật chính sau khi lấy vợ không thể 24/7 cạnh vợ/chồng mà vẫn đảm bảo công việc. Các cô gái thì luôn muốn các anh chàng kiếm tiền giỏi nhưng vẫn phải quan tâm mình. Các chàng trai ao ước một cô gái đẹp nhưng không phải mất thời gian trang điểm mỗi ngày.

 “Chúng ta sẽ có tất cả nhưng không phải là cùng một lúc” – rapper ICD

Để trở công thủ toàn diện như vậy, chúng ta cần quay ngươc thời gian về những năm trước 1986 để đến với nền kinh tế bao cấp tập trung. Nơi những ký ức về một nền chế độ đưa con người ta trở nên “toàn diện” qua những phong trào tăng gia sản xuất.

Ngay cả những nghề được coi là cao quý nhất trong những nghề cao quý – thời bấy giờ, những người giáo viên ban ngày đứng lớp, ban đêm mò cua bắt ốc chạy ăn từng bữa. Không chỉ có các thầy cô, hòa chung với không khí xây dựng đất nước toàn bộ nhân công trong xã hội thời bấy giờ đều phải có nhiều hơn một nghề để đảm bảo cái ăn cho gia đình. Nói đến cái ăn thì hồi đó có một cô gái vàng trong làng phân phối thực phẩm cho toàn dân.

Các chị không cần nhảy tiktok hay dạy vật lý thì các chị ấy vẫn là hoàn hảo trong mắt những thanh niên xếp hàng dài trước cửa hàng mậu dịch.

Nói về chuyện tình yêu thì các cụ nhà ta lại có tiêu chuẩn khác về cuộc hẹn đầu tiên so với thanh niên thời bây giờ.

Những ví dụ nêu trên thể hiện một điểm chung của nền kinh tế bao cấp đó là sự thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu của con người. Từ những thực phẩm như thịt lợn, gạo, mắm muối cho tới đồ uống giải khát đều phải chờ phân phối, tiêu chuẩn theo tháng. Trong khi đó nhu cầu của con người ngày càng gia tăng. Sự tập trung trong mọi lĩnh vực đưa nền hàng hóa thiết yếu trở nên khan hiếm và không đa dạng. Trong khi ngày nay chúng ta có hàng chục loại gạo, hàng trăm cửa hàng tiện ích, hàng nghìn mặt hàng chỉ để phục vụ nhu cầu cơ bản hàng ngày. Đại dịch Covid diễn ra ở thành phố lớn và đặc biệt là ở tpHCM trong thoáng chốc đã đem lại cảm giác của khoảng 40 năm về trước khi mà những các chị các cô bán rau, thịt, cá đã trở thành các cô mậu dịch năm nào. Giờ đây chúng ta được chứng kiến những cô mậu dịch viên và phiếu đi chợ thay cho tem phiếu thời 4.0.

Quay trở về với thời hiện tại, chuyên môn hóa đã đưa nền kinh tế tập trung vào những thước phim tư liệu để biến chúng ta trở thành những công dân kiểu mới. Nơi mà chúng ta chấp nhận sự không hoàn hảo chỉ tập trung phát triển điểm mạnh của bản thân và để những phần không hoàn hảo cho người khác sau đó kết hợp lại  tạo thành một tập thể, xã hội hoàn hảo. Đến hẹn lại lên như thông lệ hàng triệu sinh viên sau khi ra trường sẽ tham gia vào thị trường lao động cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Trong khi các trường Đại học ồ ạt cho ra lò những thành phẩm với những tấm bằng xuất sắc đẹp long lanh, các nhà tuyển dụng đã làm gì để tận dụng tối đa nguồn lực dồi dào và vô tận được tạo ra hàng năm với số lượng ngành nghề ít ỏi.

Cuộc cách mạng mới

Thông qua các cuộc cách mạng, xã hội đã tạo ra vô vàn những ngành nghề, vị trí việc làm mới. Để tận dụng tối đa nguồn nhân lực ngành nghề cũ, các nhà tuyển dụng không ngừng tuyển nhân viên làm trái ngành, trái nghề. Do đó đây sẽ là xu thế diễn ra càng ngày càng mạnh hơn trong năm tới.

Với những cái tên mỹ miều và đầy tính sang chảnh là các nhà tuyển dụng có thể đăng tin tuyển dụng với giá siêu rẻ thậm chí là miễn phí với thời gian thử việc từ 3-6 tháng.

Chia nhỏ công việc cũng giống như mỗi thầy bói phụ trách một bộ phận khác nhau của con voi. Những thầy bói vô cùng chuyên sâu trong từng bộ phận riêng lẻ nhưng sẽ khó có được cái nhìn tổng quan toàn bộ con voi ít nhất là cho đến khi được chuyển lên vị trí cao hơn. Ngoài ra sự bất đối xứng thông tin giữa các tầng lớp trong một doanh nghiệp, giữa người đứng đầu và người lao động tạo ra khoảng cách trong công việc. Đôi khi những quyết định không đi kèm đầy đủ thông tin “hành lang” gây sự khó hiểu và đôi khi là không đồng thuận trong thực hiện công việc.

Cỗ máy chạy bằng cơm

Trong thời đại mới, chúng ta được các nhà tuyển dụng trao cho những bộ trang phục cosplay “người máy chạy bằng cơm” hàng hiệu. Những cỗ máy cứ thế ngày qua ngày với những công việc lặp lại lặp lại. Ở mức độ đơn giản chỉ lặp lại động tác “cơ học” thường diễn ra hàng loạt trong những nhà máy, xưởng công nghiệp. Ở mức độ phức tạp hơn, các eco-robot có nhiều chức năng hơn và được ngồi trong phòng điều hòa, mặc áo trắng quần âu và gõ bàn phím.

Sau khi được lao động, việc tiếp theo là tiền lương. Việc trả công ở khu vực tư thường gắn với các chỉ tiêu (KPI) tiền lương thể hiện giá trị lao động mà các cỗ máy đóng góp, những cỗ máy sẽ phải hoạt động tới công suất tối đa cho tới khi hết khâu hao. Loạt người máy này sẽ được thay bằng lứa mới nhiệt huyết hơn, trẻ trung hơn và cống hiến nhiều hơn lớp trước. Đó cũng chính là lý do vì sao các công ty tập đoàn lớn hiện nay, lớp nhân viên mới được tuyển vào thường trong khoảng thời gian ngắn sẽ “được” đào thải và thay vào đó tiếp tục làm một lứa mới thay thế. Số vô cùng nhỏ được giữ lại nhưng thường sẽ là một số vị trí đặc biệt. Tính “bất ổn” và đào thảo nhanh trong công việc ở khối tư nhân dẫn tới tình trạng  phụ huynh của tầng lớp lao động trẻ luôn tìm mọi cách để có một công việc “ổn định”  về mặt lâu dài.

Đối với khu vực công, công nhân của chính phủ sẽ được chu cấp đủ một khoản tiền đủ để nuôi sống bản thân. Dù không được du lịch hàng tháng, đi ô tô hay Iphone 12 promax như những người bạn của mình (Giang) thì cũng không tới mức phải lo ăn từng bữa. Mặc dù biết phải hài lòng với cuộc sống của bản thân nhưng khi nhìn thấy người bạn đó đăng hình sống ảo là chiếc ví lại thoi thóp, thở không ra hơi vì đói ăn cả tháng. Viết ra những dòng này không mong được nhiều tiền như các bạn nhưng được làm giàu được sức khỏe tinh thần âu cũng là chuyên môn hóa. 

Sinh ra trong xã hội này, có làm thì mới có ăn. Chính nỗi sợ “có ăn” đó luôn thúc vào đít những thanh niên để hàng ngày quằn quại tới công ty. Chúng ta luôn bị kìm kẹp bởi những hóa đơn, những bộ quần áo mới trên shopee, những thiết bị điện tử lạ mắt. Sẽ thế nào như một xã hội ai cũng được trợ cấp để thuê nhà, ăn. Liệu lúc đó các cỗ máy hình người có được giải phóng khỏi những stress mà mình đang gặp phải để thỏa sức sáng tạo những sản phẩm. Lúc đó xã hội toàn có toàn những công dân ưu tú làm việc với đam mê, năng suất tăng gấp nhiều lần, của cải dư thừa ai thích lấy gì thì lấy, không còn những lo lắng về nghề nghiệp, đam mê. Chắc là lúc đó cô bạn của tôi sẽ làm một Food reviewer nổi tiếng, một Influencer triệu follow thay cho công việc hiện tại mà tôi cũng không biết tên.

You may also like

Leave a Comment