Home Trà đá vỉa hè Totto-chan bên cửa sổ

Totto-chan bên cửa sổ

by Phạm Ngọc Hải

“Rẹt rẹt… chiếc ô tô điều khiển từ xa từ đâu chạy tới đâm sầm vào chân ghế, bật ngửa trên mặt sân. Chiếc xe như không chịu được cú ngã, dãy giụa, quay vòng tròn liên hồi y như cái chong chóng. Nó lật ngửa, bụng hướng lên trời ngay trước mặt cậu bé đang từ phía xa chạy lại, cậu cười lớn khoái chí với màn nhào lộn của chiếc xe. Cậu thích món đồ chơi này lắm, nó là món quà nhân dịp sinh nhật mà ông ngoại đã mua cho cậu sau nhiều lần đòi ông mua mỗi khi đi qua cửa hàng đồ chơi gần cổng trường. Ông ngoại thương cậu lắm, chưa bao giờ ông quát mắng hay đánh đòn cậu bao giờ cả. Bất kể lúc nào đi chơi, cậu bé cũng muốn đi cùng với ông vì nó biết chỉ có ông mới mua đồ chơi nên nó không rời ông nửa bước. Ông có thân hình to lớn của một người lính, dưới bắp chân có một vết sẹo do một viên đạn sượt qua để lại. Thời gian rảnh rỗi trong ngày, ông thường ngồi xem tivi và chơi cùng cháu. Chơi được một lúc thì chiếc xe đã kiệt sức, đèn nhỏ trên đầu xe nháy đỏ báo hiệu sắp hết pin. Mỗi lúc như thế, cậu buồn ra mặt nhưng vẫn phải đưa chiếc xe về để sạc lại pin. Mặc dù trong lúc này cậu không thể chơi nhưng cậu thường tranh thủ ngắm nghía từng chi tiết trên chiếc xe trong lúc chờ sạc pin. Mặc dù đã nhìn ngắm nó bao nhiêu lần nhưng câu chưa bao giờ thấy chán.

Chiếc xe tổng thể nổi bật với màu vàng óng trên nền đen của một chiếc xe địa hình. Thiết kế phổ thông với hai bánh nhỏ phía trước và hai bánh to hơn phía đằng sau làm cho chiếc xe lúc nào cũng dúi dầu về đằng trước như con bò tót lúc chuẩn bị húc vậy. Khoang xe gồm hai chỗ ngồi với kiểu thiết kế thời thượng của tiểu đội xe không kính … Nó nhanh nhảu sà vào lòng ông tranh thủ hít hà mùi da thịt bị ám bởi khói bếp lâu ngày. Mùi hương mà mãi sau này cậu bé không bao giờ có thể quên được.”


Bài làm này đã được 10 điểm môn Tập làm văn trong kì thi cuối cấp I với đề bài: “Hãy miêu tả một món đồ chơi mà em yêu thích bằng một từ tượng thanh”. Thực ra thì tới tận bây giờ, cậu vẫn không thể hình dung tại sao hồi đó cậu có thể viết được như vậy trong khi nhà cậu nghèo, chiếc ô tô mà cậu miêu tả được viết nhờ vào câu chuyện mà mấy đứa bạn gần nhà cậu kể trong giờ ra chơi và ông của cậu năm đó đã mất cách đó mấy tháng. Cậu đã viết bằng chính những cảm xúc thật của mình, thứ đã làm cho cậu trở nên khác biệt so với một bài văn mẫu vô cảm. Cảm xúc hay cảm nhận là một tài sản vô giá mà mỗi con người đều có và chúng làm nên nét riêng của mỗi cá thể. Chúng ta đang dần mất đi nét riêng, cá tính riêng của từng cá nhân mà thay vào đó là sự đồng bộ hóa những mầm non tương lai của đất nước – những chiếc máy photocopy biết nói.

Có lẽ cảm xúc sẽ tiếp tục dẫn dắt cậu bé trên con đường văn học sau này, nhưng chính những cảm xúc ngây ngô và đơn giản lại là vật cản đường trong hành trình làm quen với môn Ngữ văn. Ở môn Ngữ Văn cậu đã được học cách nói dối một cách “chuyên nghiệp” và “bài bản” hơn. Ở đây cậu được học cách nêu lên cảm nhận của bản thân về một tác phẩm văn học ngay kể cả khi cậu chẳng có cảm nhận gì hay ho cho lắm. Ở độ tuổi của cậu cảm nhận về chiến tranh chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng: mơ hồ, dữ dội và điên rồ. Làm sao mà cậu có thể phân tích giá trị hiện thực của những tác phẩm thời nạn đói năm 45 khi mà hàng ngày bố mẹ cậu còn phải bật Baby Shark dỗ cậu ăn từng miếng. Làm sao mà cậu có thể yêu thành phố nơi cậu sống khi mà hằng ngày thời gian mở mắt để nhìn ngắm xung quanh còn không có, thời gian nghỉ ngơi cũng phải cố gắng lắm mới chen được chân vào trong mớ thời khóa biểu học thêm từ sáng tới khuya.

Trong cuộc sống, hoàn hảo là một trong những mục tiêu tốt đẹp mà ai cũng muốn hướng tới và đó cũng là động lực tốt để thúc đẩy xã hội đi lên. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, hoàn hảo tới mức không vết xước như một tiết học của cô và trò dưới đây có là một điều tốt hay không.

Có lẽ đã không ít lần trên newfeed tấp nập, ta vô tình vấp phải chiếc video không hề giả trân này. Nỗi ám ảnh về tiết học dự giờ như vậy chắc ai cũng sẽ thấy thấp thoáng hình bóng của mình xuất hiện trong video này. Nó tái hiện lại những hồi ức về những tiết học được tập đi tập lại nhiều lần như một vở kịch có sẵn. Có lẽ điều sau cùng đọng lại của những giờ dự giờ như thế này không phải là kiến thức mà là sự sợ hãi, một nỗi sợ có thật và hiện hữu ngay trước mắt người xem. Nó đã tồn tại qua nhiều năm, nhiều thế hệ và ám ảnh còn hơn cả câu trả lời của chị Sophia năm 2016. Chúng ta đã và đang sở hữu những con robot thế hệ hình người thế hệ mới mang thương hiệu “trẻ em”. So với việc bị tiêu diệt bởi robot và trở thành robot vô tri vô giác thì cũng không khác nhau là mấy.


Sống trong thực tại quá lâu có thể bạn cần biết tới “Totto-chan bên cửa sổ” – một thế giới mới để cho chúng ta tá túc qua mùa đông lạnh giá sắp đến. Cuốn sách này là cánh cửa thần kỳ đưa chúng ta trở về với thế giới của những đứa trẻ với những đặc điểm khác thường cả ở thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên may mắn đã đưa chúng tới với ngôi trường Tomoe – nơi mà chúng được tự do sáng tạo và không trở thành trung tâm phán xét bởi bất kì ai.

Ở trường Tomoe, các em được thoải mái phát triển theo khả năng của bản thân. Điều đặc biệt đầu tiên là chiếc thời khóa biểu do chính các em tự sắp xếp, chính các em sẽ là người quyết định xem hôm nay mình sẽ học môn gì trước tiên. Chính điều này đã tạo ra nguồn năng lượng siêu to khổng lồ để mỗi ngày các em mong đến trường hơn là ở nhà. Không bị bó hẹp trong khuôn khổ của tập thể, các em được làm điều mình thích mỗi buổi sáng đến trường, đây sẽ là nguồn động lực vô tận cho mỗi em kéo các em dậy khỏi giường hàng ngày. Không chỉ vậy chính các em là đại sứ thương hiệu cho những môn học mà mình yêu thích, các em sẽ thể hiện những thứ hay ho và thú vị nhất của môn học đó vô tình sẽ lôi kéo các bạn còn lại trong lớp tìm hiểu và yêu thích cùng các em.

Chỉ vì thích một người học giỏi môn Lý mà thích học môn Lý
– Một bạn nữ nào đó –
“Biết bao người đàn ông, chỉ vì yêu một má lúm đồng tiền mà cưới một cô gái.”
– Một bạn nam giấu tên –

Điểm đặc biệt tiếp theo mà trường Tomoe dạy các em là kiến thức thực tế về các môn học tưởng chừng như rất khó. Thông thường các môn khoa học tự nhiên thường phải học thuộc và ghi nhớ rất nhiều, tuy nhiên ở Tomoe chúng tôi không làm như thế. Ở đây, các em sẽ được tham gia những buổi giã ngoại thay cho các giờ học trên lớp. Các em thay vì mở cuốn sách lịch sử ra để học thuộc lòng những sự kiện đã diễn ra, các em được tham quan di tích lịch sử, những ngôi đền thờ gắn liền với sự kiện đó. Đôi khi để mang tính thời sự, trường tổ chức cho các em đi thăm thương bệnh binh đang điều trị tại bệnh viện.

Những tiết học như thế diễn ra một cách tự nhiên không kịch bản, không dàn dựng, không tập dượt. Tuy nhiên nếu so sánh kết quả đạt được sau mỗi giờ học thì ở bất cứ tiết học nào cũng mang lại một giá trị không hề giống nhau tuỳ thuộc vào chính các em, sản phẩm được tạo ra không công nghiệp và nhiều cảm xúc. Chính vì thế thầy hiệu trưởng và trường luôn cố gắng tạo ra thật nhiều hoạt activities nhất để các em tham gia gắn kết và thực sự hiểu được giá trị của cuộc sống. Chuyện học thì luôn đơn giản nhưng people make it complicated nên các em cứ phải enjoy cái moment của tuổi thơ này đã.

Không chỉ học sinh đặc biệt mà giáo viên cũng là một nét khác biệt với hệ tư tưởng tiến bộ. Những người nghệ sĩ thực thụ này thay vì đi quyên góp từ thiện thì họ luôn luôn chú trọng tới sự phát triển của những mầm non tương lai của đất nước. Ở ngôi trường này, các thầy cô như một hình mẫu lý tưởng để các em noi theo nên tất cả cử chỉ và hành động đều phải cẩn trọng. Trong giao tiếp hàng ngày các thầy cô đều phải chú ý tới lời nói để không ảnh hưởng tới các em vốn dĩ đã chịu nhiều thiệt thòi về cơ thể. Trẻ em rất nhạy cảm nên dù chỉ là một cử chỉ nhỏ, một lời nói vô ý cũng đủ để làm tổn thương tâm hồn của chúng. Vì thế mà người ta nói:

Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý

Sự hết lòng hết sức cống hiến cho giáo dục của thầy hiệu trưởng và các thầy cô trong trường cũng được miêu tả ở tác phẩm Chiến binh cầu vồng. Các thầy cô đều coi đây là sứ mệnh của cuộc đời, nhiều người dành cả cuộc đời để nhìn thấy đứa con tinh thần của mình lớn lên theo năm tháng. Và để kết thúc bài viết xin phép được kết thúc bằng cái cách mà hàng triệu học sinh Việt Nam đã và đang sử dụng một cách đầy cảm xúc như sau.

Tóm lại, tác phẩm đã thể hiện một cách chân thực cuộc sống của những người dân Nhật Bản trong giai đoạn thế chiến thứ hai. Với nhân vật chính là Totto-chan vốn bị coi là một cô bé nghịch ngợm, “không bình thường” ở một ngôi trường bình thường khác nhưng ở Tomoe cô luôn là một cô bé biết yêu thương và chăm sóc mọi người. Cũng qua câu chuyện về Totto-chan, nhà văn đã khéo léo lồng ghép giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong từng câu chuyện nhỏ, thông qua đó nhắn nhủ với chúng ta cần phải trân trọng những con người xung quanh chúng ta cho dù họ có khuyết điểm về thể chất hay tinh thần. Vì cuối cùng họ hay chúng ta cũng đều là con người và đều mong muốn có được một cuộc sống tốt đẹp.

You may also like

2 comments

Anonymous October 17, 2021 - 4:52 pm

Một kho tàng khổng lồ để lại cho con cháu😂

Reply
Phạm Ngọc Hải October 20, 2021 - 10:46 am

Chứ còn gì. Cụ sẽ bảo ngày xưa cụ cũng ngầu lắm

Reply

Leave a Comment