Home Trà đá vỉa hè Cuộc chiến cuối cùng

Cuộc chiến cuối cùng

by Phạm Ngọc Hải

Bắt đầu từ những cá thể sinh vật Homo sapiens sinh sống dọc theo hai bên bờ sông, chúng tụ hợp lại với nhau để tạo thành những nhóm nhỏ và dần dần tiếp tục kết hợp với nhau tạo thành các thị tộc, bộ tộc. Theo bản năng sinh tồn những homo sapiens thuở còn “hồn nhiên” như búp trên cành biết ăn biết ngủ, chúng tập trung lại với nhau với mục đích hỗ trợ nhau xua đuổi thú dữ, canh tác, săn bắn hái lượm và khi cần có thể trao đổi hàng hoá. Việc trao đổi hàng hoá diễn ra ở mức thô sơ theo hình thức trực tiếp đổi con gà đổi lấy mười mớ rau. Các bộ tộc người tiếp tục kết hợp với nhau để tạo nên các quốc gia cổ đại với nền văn minh gắn liền với các con sông.

Mọi thứ cứ thế trôi quá, tưởng chừng như mọi thứ sẽ diễn ra một cách êm đẹp. Mọi người vẫn tiếp tục ăn chung làm chung cùng nhau sống vui vẻ như cái cách mà thiên nhiên đã tạo ra các loài động vật khác. Rồi đột nhiên một ngày kia con người bắt đầu biết đến sắt. Ngày càng nhiều dụng cụ bằng sắt được sử dụng để thay thế dụng cụ bằng đá thô sơ, năng suất được gia tăng và thế là sản phẩm, hàng hoá tạo ra ngày càng nhiều. Cùng lúc đó, một nhóm người may mắn đã được chọn lọc tự nhiên ưu ái, trao tặng cho một số đặc điểm sinh học vượt trội, nhờ thế mà nhóm người này trở nên giàu có hơn phần còn lại và dần tách ta trở thành một nhóm người có tiếng nói hơn trong cộng đồng. Ban đầu khi có mâu thuẫn xảy ra giữa một vài cá nhân đơn lẻ mọi người có thể tự giảng hoà nhưng khi xung đột giữa lợi ích giữa nhóm lớn người nghèo và người giàu trở nên không thể giảng hoà được nữa, xã hội đã bắt đầu phân hoá và hình thành nên các thái cực phân tầng thành các giai cấp khác nhau trong xã hội.

Với tiêu chí “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” những người có nhiều tài sản hay còn gọi là hội nhà giàu thành lập ra một mô hình tổ chức gọi là nhà nước để đứng ra điều tiết, giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong xã hội. Mặc dù tên gọi khác nhau từ chiếm hữu nô lệ, phong kiến tập quyền cho đến tư bản chủ nghĩa nhưng đặc điểm chung của các mô hình nhà nước là đều được thành lập bởi một giai cấp, phục vụ lợi ích của giai cấp đó và điều chỉnh hành vi con người thông qua luật pháp.

Trong tất cả các hình thái của nhà nước mặc dù các tên gọi của các giai cấp có sự thay đổi nhưng về bản chất mối quan hệ đều dựa trên sự bóc lột giữa người với người, giai cấp nọ với giai cấp kia. Các cuộc đấu tranh để đòi lại quyền lợi vẫn sẽ còn diễn ra cho tới khi không còn tồn tại mâu thuẫn, bóc lột giữa các giai cấp, hay kể cả sự phân chia giai cấp.

Nói về các cuộc cách mạng, vào năm 1911 ở Trung Quốc nổi tiếng với cuộc cách mạng Tân Hợi mà người đứng đầu là Tôn Trung Sơn. Một trong những người có tầm ảnh hưởng tới lịch sử Trung Quốc.

Trong thời kỳ diễn ra cách mạng Tân Hợi một tác phẩm nổi tiếng gần gũi với đại đa số thanh niên Việt Nam (vì nó có mặt trong chương trình sgk) ra đời trong giai đoạn này không thể không kể đến AQ chính truyện. Một bức tranh tả thực zoom cận cảnh từng ngõ ngách, khía cạnh trong xã hội Trung Quốc trước trong và sau CM Tân Hợi. Với nhân vật chính như thường lệ, một người vô danh nhưng lại hữu danh và là đại diện cho một tầng lớp bần cố nông, không tên tuổi không nhà cửa, không họ hàng. Vẫn là mô típ thường thấy như một người nghèo kiết xác bị xã hội khinh bỉ và bị người giàu, địa chủ cường hào ức hiếp, chà đạp nhưng ở AQ tồn tại nhiều thứ mà nhìn rộng ra là cả xã hội TQ lúc đó đều có, căn bệnh thế kỷ với tên gọi vô cùng chanh sả “phép thắng lợi tinh thần”. Cũng nhờ đó Lỗ Tấn cùng AQ chính truyện trở nên khác biệt với phần còn lại.

Trước khi là nhà văn, Lỗ Tấn đã là một bác sĩ nhưng ông cho rằng chỉ chữa bệnh vật lý thông thương thôi là chưa đủ, thứ tâm bệnh không có biểu hiện đang ngày đêm đục khoét nhân cách của một dân tộc mới là thứ nguy hiểm hơn cần chưa trị. Do đó ông đã quyết định sử dụng cây bút như vũ khí, từ ngữ như súng đạn chống lại sự tha hóa đang diễn ra trong xã hội Trung Quốc thời bấy giờ.

Lỗ Tấn cũng đã từng đặt kỳ vọng rất nhiều vào cuộc Cách mạng Tân Hợi – cuộc cách mạng được lãnh đạo bởi giai cấp tư sản và tiểu tư sản sẽ đem lại một làn gió mới, một cuộc sống mới cho dân tộc nhưng đời không như mơ. Dưới sự dẫn dắt của giai cấp này, cách mạng chỉ có thể giải quyết phần ngọn là lật đổ chế độ phong kiến nhưng cái gông ở cổ những người bần nông như AQ thì được thay thế bằng những người chủ mới. Những vị khách không mời tới từ châu Âu và châu Mỹ. Sự toan tính chỉ khiến cách mạng trở thành cơ hội tốt để đám người giàu thừa nước đục thả câu phân chia lại địa bàn, chia chác tài sản chiếm được.

Ở AQ Chính truyện, căn bệnh thế kỷ thắng lợi tinh thần aka ảo tưởng sức mạnh của người Trung được hình thành qua nhiều năm, bắt nguồn từ chiều dài văn minh lâu đời cho tới sự chi phối và ảnh hưởng tới các nền văn minh khác trong khu vực. Họ luôn coi mình là cái rốn của vũ trụ trong khi đó hoàng đế Trung Hoa từ trước tới nay vẫn tự coi mình là chân mệnh thiên tử, việc lên ngôi vua là theo ý trời, thuận ý trời hành đạo. Sử dụng ý trời để chinh phạt các nước láng giếng bắt các nước hàng xóm làm chư hầu muốn tồn tại phải cống nạp cho triều đình để được yên ổn. Biểu hiện của sự ảo tưởng của cả dân tộc được Lỗ Tấn miêu tả khắc hoạ thông qua suy nghĩ, hành động, và lời nói của AQ. Từ cách hành xử khi bị kẻ mạnh đàn áp và cách giải toả tâm lý mỗi khi có bức xúc trong người.

Có đoạn AQ bị đưa đi chém đầu. Y hoảng qua gần như ngất đi nhưng thoáng chốc lại thản nhiên. “Y cảm thấy rằng: Người ta sinh ra trong trời đất, trước sau cũng có thể có một lần bị chém đầu.” Cái chết của AQ không phải là một sự hy sinh cao cả cho một niềm tin hay để đánh đổi lại quyền lợi nhất định, hắn chết như một con tốt trên bàn cờ vì không có con tốt nào khác để dí. AQ cũng giống như những tù nhân khác trong ngục, họ bị bắt đôi khi chẳng vì lý do gì cả, đôi khi chỉ để phục vụ lợi ích cho đám địa chủ trong vùng.

Group of people with problem behavior. Arrogant, angry, bored, selfish, proud man and woman failing in communication. Vector illustration for society, social skills concept

Ngoài căn bệnh ảo tưởng, một căn bệnh tâm lý khác khá phổ biến trong xã hội loài người nói chung và trong cộng đồng người Trung nói riêng. Con người vẫn luôn vậy, tập tính sinh sống theo bầy đàn, hiệu ứng dây chuyền trong đám đông không chỉ tồn tại ở những người làng Mùi mà có thể nó đã tồn tại cả nghìn năm ngay từ khi những quốc gia do Homo sapiens lập nên từ xa xưa. Ngày nay nhờ sự phát triển của công nghệ dân cư làng Mùi trong AQ chính truyện, hay làng Vũ Đại trong Chí Phèo không còn bị bó hẹp bởi không gian và thời gian nhờ có internet, social media và livestreaming. Những con chim mồi, scandals, những cuộc khẩu chiến không có hồi kết giống như một món ăn nhanh nhiều calories, một cơn mưa rào giữa nắng hạn trong dịp lockdown này. Khi mà con người bị bó buộc trong chính căn nhà của mình, ngôi nhà thứ hai (online) được mở ra để chào đón các netizen. Họ thèm khát được hít drama, ham muốn một câu chuyện scandal để làm thú vui tiêu khiển và thế là chúng ta có những bom tấn livestream với hàng trăm nghìn lượt xem chưa kể tới hiệu ứng domino từ social media khác. Xã hội được dịp hả hê, người ta bàn luận sôi nổi, nồng nghiệp bà A anh B ai đúng ai sai như để quên đi những con số đang ngày càng gia tăng, như để quên đi bốn bức tường và những gói mỳ tôm ăn dở.

Nhưng điều đáng buồn cười ở chỗ, người ta đi coi chém đầu AQ nhưng điều làm họ thấy thích thú phạm nhân hát gì trước khi bị chém đầu. Họ coi việc đó như một thú vui tao nhã, chuyện thường ngày ở huyện và vì cơ bản mà nói AQ sống hay chết cũng chẳng có ý nghĩa gì tới họ. Trận khẩu chiến gần đây dù ai thắng hay thua đi chăng nữa thì khối người có dịp hả hê, vui sướng khi xem một cuộc ẩu đả, và kiểu gì đám đông cũng sẽ có một câu chuyện làm quà.

Khác với cách mạng phiên bản mua trên Shopee của quốc gia láng giềng, Cách mạng tháng 8 cho thấy điểm khác biệt dẫn tới thành công là khối đại đoàn kết toàn dân, gắn kết mọi đối tượng, mọi tầng lớp trong xã hội. Cuộc cách mạng diễn ra ở Việt Nam do chính tầng lớp người dân bị áp bức, bóc lột dẫn đầu và lãnh đạo. Ngay cả trong văn học, cách mà anh Chí sau “một đêm say” bỗng nhận thức được mâu thuẫn và kẻ thù của bản thân thì anh đã mạnh dạn giải quyết cho dù cái giá phải trả hơi chua chát. Không chỉ có anh Chí, chị Dậu cũng là một hình tượng một người phụ nữ kiên cường không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù. Và anh Tràng trong Vợ Nhặt khi lần đầu anh biết tới hình ảnh chiến sĩ cách mạng, nhà văn Kim Lân có viết:

Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm. Hôm ấy hắn láng máng nghe người ta nói họ là Việt Minh đấy. Họ đi cướp thóc đấy. Tràng không hiểu gì sợ quá, kéo vội xe thóc của Liên đoàn tắt cánh động đi lối khác. À ra họ đi phá kho thóc chia cho người đói. Tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu. Ngoài đình tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập. Mẹ và vợ Tràng đã buông đũa đứng dậy. Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…”

Thành công của những ngày cuối tháng 8 năm 45 là kết quả của 15 năm đấu tranh kiên cường, hy sinh, gian khổ của nhân dân ta. Giống như cái cách mà hàng nghìn năm trước Tư Mã Ý tổ tiên của người Trung Quốc thống nhất giang sơn kết thúc thời kỳ Tam quốc với chỉ một lần vung kiếm.

Mẫu thuẫn giữa các giai cấp chưa bao giờ được giải quyết triệt để mặc dù trải qua hàng nghìn năm loài người đã có không biết bao nhiêu cuộc đấu tranh.. Cách mạng T8 thành công là một trong những tiền đề quan trọng để ngày 2/9/1945 bản Tuyên ngôn độc lập được vang len tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Hành trình quá độ (qua đò) đưa chúng ta tới với xã hội nghe có vẻ “không tưởng” nhưng lại vô cùng hợp lý. Con đường mà chủ nghĩa xã hội chọn là con đường đưa thế giới loài người thoát khỏi sự kìm kẹp của vật chất và sự bóc lột.

Tối đa hóa nguồn lực của từng cá nhân theo Adam Smith có thể tối đa hóa nguồn lực xã hội, làm giàu cho xã hội về mặt vật chất nhưng đưa mỗi người lao động trở thành những cỗ máy năng lượng thiên nhiên. Sự giàu có về vật chất không khiến chún ta trở nên giàu có về mặt tinh thần. Vì sau cùng, vật chất cũng chỉ là cầu nối để đưa con người thoả mãn cuộc sống tinh thần. Sự mưu cầu hạnh phúc là thứ tồn tại cao nhất trong tháp nhu cầu Maslow sau khi con người đã thoả mãn được nhu cầu cơ bản.

Và cuối cùng thì để có được một ngày nghỉ lễ độc lập mỗi năm, lớp lớp cha ông đã nằm xuống, hy sinh cho một lý tưởng cao đẹp. Hãy trân trọng ý nghĩa lịch sử mang tính chất bước ngoặt của một dân tộc hơn là một ngày chủ nhật diễn ra ở giữa tuần.

  • Tác phẩm AQ Chính truyện – Lỗ Tấn
  • Abraham Maslow – A Theory of Human Motivation – 1943
  • Tác phẩm Vợ nhặt trích trong tập Con chó xấu xí – nhà văn Kim Lân

You may also like

Leave a Comment